Ngành cơ khí triển vọng phục hồi năm 2021
- Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và dòng dịch chuyển đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam phát triển trong năm 2021.
|
Ngành cơ khí triển vọng phục hồi năm 2021 (Ảnh: K.K) |
Theo báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), năm 2020, do tác động của dịch bệnh, gần 50% số doanh nghiệp thuộc hiệp hội có doanh thu sụt giảm mạnh. Song bằng các giải pháp linh hoạt ứng phó nhanh với những khó khăn nhiều doanh nghiệp đã chủ động ổn định sản xuất, sắp xếp lại bộ máy quản lý; từ đó, vẫn có được những đơn hàng, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Đến nay, về cơ bản, các doanh nghiệp đã tìm kiếm được nguồn hàng, kết nối lại với các bạn hàng xuất khẩu và từng bước phục hồi.
Theo các doanh nghiệp cơ khí điện, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cũng mang lại một phần cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước tăng thị phần tại thị trường nội địa khi nhiều doanh nghiệp từ các ngành sản xuất chuyển sang sử dụng máy móc nội địa. Từ thực tế phát triển này của thị trường các doanh nghiệp trong ngành cũng đã liên kết lại để hình thành chuỗi cung ứng máy móc Việt Nam với triển vọng phát triển thị trường rất lớn. Đơn cử như dự án liên kết phát triển cung ứng máy sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ y tế với nhu cầu cung ứng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Thực tế cũng cho thấy khi dịch bệnh xảy ra, nhiều doanh nghiệp cho hay đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Trước đây việc chuyển giao công nghệ thường sẽ do nước ngoài làm, nhưng trong năm vừa qua nhiều doanh nghiệp đã tận dụng hết các điều kiện năng lực hiện có, tái cấu trúc, thay đổi quy trình cốt lõi, sử dụng máy móc trang thiết bị nội địa để có thể chủ động hơn trong sản xuất.
Để giúp nhau vượt qua khó khăn cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nỗ lực giúp nhau thông qua việc chia sẻ đơn hàng, giảm giá gia công lẫn sản phẩm… Tại Công ty TNHH Haitian Việt Nam, doanh nghiệp đưa ra chương trình ưu đãi giảm 5% trên giá trị máy và chỉ cần đặt cọc 5% là có thể xuất máy đến nhà máy đối tác phục vụ sản xuất, 95% còn lại được trả góp trong vòng 2 năm. Hay như Công ty TNHH Thép Huy Hoàng Gia, Công ty Vietsteel, giảm trên dưới 10% (tùy sản phẩm).... Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước cũng có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ (CNHT) rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Có thể thấy, với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, tham gia nhiều FTA năm 2021 dù còn nhiều khó khăn song vẫn được xem là một năm nhiều kỳ vọng cho phát triển ngành cơ khí. Tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, ngăn chặn dịch bệnh tốt... làm nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là điểm mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, công ty trong nước. Nếu doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nắm bắt các cơ hội đó, thì có thể nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau dịch bệnh, nhu cầu về đồ may mặc, gia dụng... tăng cao, trong khi Việt Nam vốn có thế mạnh về gia công, chế tạo các mặt hàng này.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia nhiều FTA sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Song để tận dụng cơ hội này các doanh nghiệp cần có kế hoạch chi tiết liên kết trong sản xuất và cung ứng trang thiết bị máy móc do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp để đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới...
Để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, hiện nay trong năm 2021 và những năm tới, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
NMG
nguyenminhglobal.com